Hoàng đàn (Cupressus torulosa D. Don) là cây gỗ nhỡ, xanh, dáng đẹp, sinh trưởng rất chậm. Các bộ phận của Hoàng đàn (lá, quả, rễ, vỏ cây) có nhiều công dụng và được sử dụng rất nhiều trong Y học cổ truyền, Y học hiện đại và trong công nghiệp. Do tình trạng khai thác quá mức trong khoảng 30 năm qua, nên Hoàng đàn ngoài tự nhiên đã gần như tuyệt chủng và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam ở mức rất nguy cấp. Chính vì thế việc bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Hoàng đàn tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam là hết sức cần thiết. Mục đích của nghiên cứu này là áp dụng kỹ thuật nhân giống vô tính nhằm tạo cây giống Hoàng đàn. Bên cạnh đó, kết hợp với việc khảo sát các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và ra rễ như chất điều hòa sinh trưởng (IBA), loại hom và mua vụ giâm hom sẽ tìm được điều kiện thích hợp nhất cho việc sản xuất nhanh cây giống hoàng đàn đáp ứng với mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được cho thấy sử dụng nồng độ IBA 900 ppm, hom bánh tẻ, giâm vào mùa hè cho khả năng sinh trưởng và ra rễ tốt nhất với tỷ lệ mô sẹo đạt 76,85%, tỷ lệ ra rễ đạt 69,44%, số rễ trên hom (cành giâm) trung bình đạt 4,17 rễ, chiều dài rễ trung bình đạt 14,67 cm. Đây sẽ là cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và nhân giống Hoàng đàn tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai nói riêng và cho các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung.